Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

An Khe huong toi nen nong nghiep ben vung.

http://www.baogialai.com.vn/channel/722/201305/an-Khe-huong-toi-nen-nong-nghiep-ben-vung-2236612/

Thứ Hai, 13/05/2013, 20:20 [GMT+7]
(GLO)- Tuy chỉ chiếm tỷ trọng 17% trong cơ cấu kinh tế, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn được thị xã An Khê quan tâm đầu tư có chiều sâu. Nổi bật là đầu tư đa dạng hóa cây trồng, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Tiết trời ở  xã Cửu An, thị xã An Khê những ngày đầu tháng 5 nóng như đổ lửa, song những cây thanh long trong vườn nhà ông Nguyễn Thành, thôn An Phước Bình vẫn xanh tốt. Ông Thành bảo: “Tôi trồng hai loại giống thanh long, đó là thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Giống thanh long ruột đỏ mới trồng 20 trụ vào thời điểm cuối tháng 12-2011 nhờ 80 nhánh giống mượn của Phòng Kinh tế thị xã. Thanh long ruột đỏ có vị ngọt thanh hơn loại ruột trắng, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng đất Cửu An”.

Nông dân thị xã An Khê thu hoạch bắp cải.
Nông dân thị xã An Khê thu hoạch bắp cải.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-ông Mang Viên Tý cho biết: Thị xã đang xây dựng mô hình thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ, với tổng kinh phí đầu tư hơn 14 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học tỉnh hỗ trợ. Thanh long ruột đỏ đã được cơ quan chức năng khẳng định có vị ngọt thanh, hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và khoáng chất… đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo nhìn nhận của ông Tý, thành công của mô hình thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ nằm trong lộ trình đa dạng cơ cấu giống và nghiên cứu ứng dụng  tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Cũng theo ông Mang Viên Tý, thông qua nguồn vốn sự nghiệp khoa học tỉnh hỗ trợ và vốn ngân sách nhà nước đầu tư trên 10 tỷ đồng, từ năm 2002 đến nay, thị xã đã xây dựng và triển khai có hiệu quả 11 chương trình, 14 đề tài, dự án phát triển nông nghiệp.




Trong vụ Đông Xuân 2012-2013, thị xã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm giống mì KM140, KM98-5, năng suất bình quân 35-40 tấn/ha, cao hơn 20-28 tấn/ha so với giống mì KM94 đang bị thoái hóa, có biểu hiện nhiễm bệnh chổi rồng. Đó là cơ sở để cơ quan chuyên môn định hướng nhân rộng 2 giống mì KM140, KM98-5 trong các vụ sản xuất tiếp theo. Tiếp nữa, nhân dân các xã đã sử dụng giống cỏ Úc, bắp lai, đậu tương thử nghiệm thành công tại xã Song An để trồng trên diện tích gieo trồng thường xuyên bị hạn.

Chuyển giao công nghệ sản xuất giống lúa xác nhận gắn với xây dựng mô hình sản xuất giống lúa DV108, CH207 cho Hợp tác xã Cửu An 1 chủ động sản xuất giống cung ứng nhu cầu nhân dân; phục tráng thành công giống mía R579, F157 theo phương pháp nhân nhanh bằng cấy mô.

Đặc biệt, việc đầu tư 100 triệu đồng xây dựng cơ sở sản xuất giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô quy mô 600.000 cây giống/năm được cho là đòn bẩy để chuyển diện tích trồng lúa, cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng hoa thương phẩm; hình thành vùng chuyên canh hoa cung cấp cho thị trường khu vực phía Đông tỉnh và vùng phụ cận.

Thị xã An Khê đang hướng tới nền kinh tế công nghiệp-dịch vụ, tuy nhiên mọi việc phải bắt đầu từ cái nền phát triển nông nghiệp. Vì vậy, việc bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng, hình thành vùng chuyên canh trong thời gian qua đồng nghĩa với xây dựng cái gốc bền vững rút ngắn thời gian trở thành thị xã công nghiệp-dịch vụ. Bởi lẽ, nông nghiệp phát triển theo xu hướng sản xuất hàng hóa, kéo theo hoạt động công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-dịch vụ phát triển.
Quang Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét